Phải lòng Hà Nội

Phải đến lần gặp gỡ thứ hai, mình và mùa thu Hà Nội mới phải lòng nhau say đắm.

Hà Nội đẹp và thấm đẫm văn hoá trong từng con phố cổ, hẻm sâu hun hút đến cả chiếc xe đạp của người bán hàng rong qua đường. Bước chân trên phố cổ Hà Nội, mình nghĩ con đường này có lẽ đã ở đây cả ngàn năm rồi.

Chỉ cần bước vào các đền, miếu ở Hà Nội sẽ nhận thấy ngay sức ảnh hưởng sâu đậm của văn hoá triều Lê, thể hiện trong cả văn hoá Hà Nội đến tận bây giờ. Hoàng thành Thăng Long. So sánh với Hoàng thành Huế, sẽ thấy rõ triều Lê có văn hoá hiền hoà, gần gũi với dân hơn so với sự uy nghi, đạo mạo của triều Nguyễn sau này. Khá dễ hiểu khi phong trào đòi khôi phục nhà Lê lại kéo dài dai dẵng suốt thế kỷ. Nhà Nguyễn sau này kiên quyết dời đô về Phú Xuân một phần cũng vì hoài vọng về triều Lê vẫn dai dẵng trong dân Bắc Kỳ.

Chi tiết khiến mình ấn tượng nhất khi ghé thăm Hoàng thành là thông tin về việc khai quật phần đất trước đây từng là sân chầu của triều đình. Đại khái (mình không nhớ chi tiết) là đào xuống khoảng bao nhiêu mét đó là lớp dấu tích, công trình, vật phẩm sành sứ của triều Lê-Trịnh, rồi lại cũng trên khoảng đất đó đào sâu thêm xuống nữa là những lớp dấu tích của tiền triều Lý-Trần. Triều đại sau đã lấy đất đá san bằng những công trình của triều đại trước để rồi sau đó đến phiên mình bị vùi xuống thêm một lớp đất nữa. Lịch sử cứ chảy mãi và lặp đi lặp lại vòng tròn của nó thôi.

Đứng từ cổng thành Đoan Môn nhìn xuống, mình hình dung đám cưới Ngọc Hân-Nguyễn Huệ đã từng linh đình kèn trống đi qua cổng thành này, tiễn nàng công chúa Thăng Long về làm bà hoàng hậu của thành Phú Xuân. Vậy mà hơn 200 năm sau, tất cả chỉ còn là phế tích với cổng thành trơ trọi. (đoạn này chắc bị con gì nhập vào nên nói lảm nhảm.)

Mình chỉ có khoảng 2 tiếng đồng hồ để đi lòng vòng ở Quốc Tử Giám. Nhà Lý dời đô về Thăng Long xong là xây dựng Quốc Tử Giám luôn. Nghĩa là số tuổi của Quốc Tử Giám bằng với số tuổi của Hà Nội và của cả Hoàng thành. Trong khi Hoàng thành bị phá sạch qua quá nhiều biến cố lịch sử, chỉ còn lại cái cổng thành trơ trọi thì Quốc Tử Giám lại còn khá nguyên vẹn.

Hà Nội thực sự rất đẹp. Hiếm có thành phố nào mà khi đặt chân đến người ta có thể cảm nhận được chất văn hoá của nó đặc nghẹn trong mỗi không gian bước vào, cảm nhận được điều gì đó của cả ngàn năm lịch sử đã chất chứa, tích tụ nơi đây. Lần đầu tiên mình hiểu được sức mạnh vô hình của bề dày văn hoá. Đây là cảm nhận mạnh mẽ nhất nhưng quá khó để diễn đạt rõ ràng. Có lẽ dân ở đây đã sống quá lâu trong nó để cảm nhận điều này như cách một du khách cảm nhận về vùng đất này.

Trong chuyến đi này, nếu có thêm một ngày nữa ở HN mình sẽ đi coi khắp các đền, chùa, thành quách trầm ngâm với vẻ đẹp lịch sử mê hoặc. Còn nếu có thêm một ngày nữa mình sẽ đi coi hết các biệt thự cổ ở HN, mỗi căn nhà chắc chắn gắn với một câu chuyện cần được lắng nghe. Thật ra, mình sẽ còn nhiều chuyến ra Hà Nội lắm nhưng chắc chắn lần nào cũng đi trong vội vàng với một danh sách công việc cần làm.

Nếu suối vàng là có thật thì chắc chắn khi ở suối vàng của mình là một linh hồn tự do ngược về thời gian thăm thú hết các thành quách, công trình của các triều đại, chứng kiến nó đi từ hưng thịnh đến suy tàn rồi chỉ là đống đổ nát. Giả sử như mình có thể là cái Cột cờ Hà Nội kia, chứng kiến hết những biến cố, những đổ nát và cả những ngày yên ả mà thành phố lộng lẫy văn hoá này trải qua trong hơn 200 năm.

(Viết sau chuyến đi Hà Nội tháng 10/2015)

Exit mobile version